Báo Cứu Quốc ở Che Ngù

Báo Cứu Quốc là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết. Trong kháng chiến chống Pháp, ngoài cơ quan chính ở vùng núi Phja Bjoóc, một cơ quan dự bị của Báo Cứu Quốc được đặt tại thôn Che Ngù, xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn khoảng đầu năm 1947 đến tháng 10/1947.

Ông Nguyễn Văn Hải (1916-2002), một trong những người phụ trách điều hành và quản lý báo Cứu Quốc hầu như suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã kể lại trong bài viết “Làm Báo Cứu quốc”[1] về việc chọn Che Ngù làm nơi đặt cơ quan như sau: “Một cán bộ người địa phương giới thiệu bản Che Ngù thuộc huyện Chợ Đồn nằm giữa Đầm Hồng - Chợ Đồn và Bản Thi, cách nhau từ 15 đến 20 cây số, xung quanh là núi đá, chỉ có mấy vạt ruộng nhỏ ven bờ suối. Ở Bản Thi có nhà in của Bộ Tài chính mới dọn đến. Tôi cho chuyển vào dây hai máy in đạp chân loại nhỡ, một máy in nhỏ, một số chữ, mực in và vật liệu, giấy in cần thiết. Vận chuyển chủ yếu bằng đôi vai, dựa một phần vào đồng bào địa phương. Anh Đắc, anh Kế được phân công phụ trách cùng với sáu, bảy công nhàn, hàng ngày in một số tài liệu.

Vì địa điểm hẻo lánh, chỉ có tôi mấy lần vào làm việc với anh em, anh Xuân Thủy và các anh em khác chưa đến. Tôi đạp xe vào Chợ Đồn. Đường leo núi xuyên rừng dài khoảng 30 cây số, đã hỏng nhiều chỗ. có khi phải vác xe đạp mấy chục thước. Gửi xe ở phố Chợ Đồn rồi đi bộ tắt rừng sang. Có chỗ phải đi qua đồi cỏ tranh lút đầu người khá rộng, dân địa phương nói là trước hay có hổ qua lại. Cả chặng đường gần chục cây số, ít khi tôi gặp người đi ngược lại. Thỉnh thoảng bên kia suối nhỏ, một con hươu nghển cổ nhìn. Thoáng thấy vài con sóc lao vút trên các cành cây. Tôi có nhiều dịp đi trong rừng như thế, nhưng chưa gặp sự không may nào. Hình như trong kháng chiến, rừng sâu Việt Bắc cũng trở nên hiền lành hơn”.

Toàn bộ địa điểm Báo Cứu Quốc đã ở và làm việc có diện tích khoảng 250m2, hiện nay nằm gọn trong diện tích đất thổ cư của gia đình ông Ma Đình Lương. Khi cơ quan báo đến đây, trụ sở làm việc của tòa báo được dựng thành hai ngôi nhà lán ở tạm, kiểu nhà lán hình chữ nhật làm bằng cột gỗ tre, mái lợp bằng lá cọ, xung quanh nhà được quây bằng phên liếp nứa đan thưa mắt cáo.  Một lán để làm chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt của công nhân, một lán để chứa máy móc trang thiết bị liên quan phục vụ công tác in báo và phát hành báo.

Tin "Phụ nữ Bắc Kạn kháng chiến" đăng trên báo Cứu Quốc, Số 729, ra ngày 25/10/1947. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Ông Ma Văn Tút, năm nay 93 tuổi ở thôn Che Ngù kể lại: Lúc đó ông là Đội trưởng đội thanh niên của xã nên ông đã được chứng kiến đồng thời cũng là người trực tiếp cùng bà con nhân dân thôn Che Ngù giúp đỡ cơ quan tòa Báo Báo Cứu Quốc và Nhà in Báo Độc lập sơ tán đến ở và làm việc. Thời kỳ này, Che Ngù chỉ có 7 nóc nhà. Ông là người được phân công giúp cơ quan Báo Cứu Quốc làm công tác bảo vệ, đồng thời trực tiếp cùng anh em, bà con đi vào rừng lấy lá cọ, chặt cây nứa về đan thành phên mắt cáo quây xung quanh nhà ở và làm việc của tòa báo, vì để không mất nhiều thời gian dựng nhà, vừa không phải tốn vật liệu, hơn nữa cơ quan đến làm việc tại đây cũng chỉ là một thời gian nhất định, đặc biệt phòng khi địch phát hiện thì có thể phá huỷ và rút lui nhanh chóng và kịp thời. Ông Tút nhớ chỉ có khoảng hơn hai chục người làm báo như: Ông Cận, ông Nghĩa và ông Hồng Hà. Tháng 10/1947, sau khi Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn thì cơ quan báo Cứu Quốc di chuyển đi nơi khác.

Theo hồ sơ di tích của Bảo tàng tỉnh, ở Che Ngù, cơ quan Báo Cứu Quốc cũng như một số cơ quan khác đã được bà con nhân dân, lực lượng thanh niên và đội du kích địa phương giữ bí mật, chu đáo và được bảo vệ an toàn nhất để phục vụ sẵn sàng chiến đấu, đóng góp sức người sức của cũng như những vật liệu cần thiết để dựng lán trại cho các cơ quan, đơn vị làm việc. Tại đây, Báo Cứu Quốc vẫn xuất bản đều, bám sát định hướng chính trị của Ðảng và Mặt trận, động viên toàn quân, toàn dân một tinh thần đoàn kết, kháng chiến bền bỉ.

Nhà báo Hồng Hà trong những ngày làm báo ở Chiến khu Việt Bắc (người ngồi ngoài cùng bên trái). Ảnh:Tư liệu.

Nhà báo Hồng Hà (1928-2011), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chánh Văn phòng TW Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương viết: “Báo Cứu Quốc di chuyển lên phía thị xã Bắc Kạn. Tôi được giao nhiệm vụ cùng một số anh em đi lập cơ quan dự bị của Báo Cứu Quốc đặt ở huyện Chợ Đồn, phòng khi cơ quan chính bị đánh phá. Chúng tôi cập bến Đầm Hồng, thuộc huyện Chiêm Hoá. Từ đây có đường sắt chạy vào Bản Thi dài mấy chục cây số. Chúng tôi dùng xe goòng đẩy tay vận chuyển các thứ vào phía Bản Thi và lập cơ quan dự bị ở làng Che Ngù, gần Bản Thi. Làng dựa vào một dãy núi đá có rừng rậm. Chân núi có bãi ổi đã chín vàng. Đàn sóc chạy nhảy trên các cành cây. Có một con hươu đứng ngơ ngác bên bờ suối”.

Ngày 07/ 10/1947, quân Pháp đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn và hôm sau nhảy dù xuống Chợ Đồn, Báo Cứu Quốc chuyển cơ quan ở Che Ngù vào rừng sâu và lèn đá, dựng các lán tranh dọc suối, nơi đã có nhiều dân bản tản cư đến. Những vật nặng như thùng mực, chân đế máy in thì để lại chôn ở sân cơ quan rồi lấp cát. Đi lại giữa các lán cơ quan phải leo cây, bám dây rừng, đu từ mỏm đá này đến mỏm đá khác. Nhà báo Hồng Hà viết tiếp: “Quân Pháp tràn đến xả súng, lùng sục cơ quan báo không tìm thấy gì rồi bỏ đi. Anh em cơ quan ăn mừng, làm bữa thịt chó. Bỗng đồng bào Tày trong bản khăn gói, bồng bế nhau bỏ nhà kéo hết lên đỉnh núi cao. Đồng bào rất sợ thịt chó, cho là đồ ăn của ma quỷ”.

Một góc di tích lịch sử Che Ngù. Ảnh: Hà Tuyết (Phòng VHTT Chợ Đồn)

Thôn Che Ngù được cơ quan Báo Cứu Quốc chọn làm nơi đặt trụ sở làm việc, nhân dân ở đây đã góp phần công sức giúp đỡ Báo Cứu Quốc hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời gian sơ tán và làm việc ở đây, do vậy, nơi này là nơi khắc ghi sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương đối với cách mạng. Với ý nghĩa đó, ngày 3/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký ban hành Quyết định số 2334/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Di tích lịch sử Che Ngù”. 

                                                                                        KIM KIM

 

[1] In trong tập hồi ký “Những chặng đường Báo Cứu quốc”. NXB Hà Nội-1987